Ngoài chất lượng, nông sản phải được đảm bảo độ tươi cũng như giữ nguyên màu sắc mới có thể thu hút được người tiêu dùng Nhật.
Xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam từ đầu năm đến nay liên tục giảm trên 2 con số khi nhiều thị trường chính giảm thu mua và đóng cửa. Tuy nhiên, việc xuất khẩu nông sản sang Nhật lại có nhiều điểm sáng.
Nhưng để đưa được nông sản của Việt Nam sang Nhật Bản – thị trường khó tính bậc nhất thế giới, cũng như chinh phục được người tiêu dùng nước này là cả một vấn đề lớn.
Theo đó, ông Tomoaki Fukui – Giám đốc cao cấp Bộ phận Sản phẩm AEON TopValu cho biết, yếu tố quan trọng giúp hàng Việt sang Nhật được ưa chuộng là sản phẩm phải đạt độ tươi ngon về chất lượng và màu sắc giữ ổn định.
Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần có quy trình quản lý chuỗi cung ứng, chất lượng sản phẩm, quá trình nhập và vận chuyển sản phẩm, nhiệt độ cũng như thời hạn sử dụng tối ưu nhất.
Màu sắc của những trái vải sang Nhật được giữ ổn định. Ảnh: Minh Hà.
Ông Tomoaki Fukui cũng chia sẻ bí quyết để lô vải thiều hôm 20/6 qua Nhật suốt 16 tiếng mà vẫn giữ được nguyên màu sắc, chất lượng như tại Việt Nam. Cụ thể, công ty phải nghiên cứu nhiệt độ bảo quản thích hợp để trái vải không chuyển qua màu nâu.
Theo đó, vải phải được bảo quản ở nhiệt độ 0-2 độ C, sử dụng bao bì thoáng khí và được bảo quản nghiêm ngặt trong tất cả các công đoạn từ kho lạnh cho tới chế biến lạnh. Hay với quả chuối, nhiệt độ duy trì để đảm bảo độ tươi và vỏ chúng không bị thâm thì phải bảo quản ở nhiệt độ không cao hoặc thấp hơn 13 độ C.
Song song đó, quy trình xử lý quả chuối phải khắt khe, từ khâu thu hoạch, sơ chế. Đặc biệt, quá trình sơ chế không được sờ tay trực tiếp vào vỏ quả chuối. Bởi nhiệt độ cơ thể người sẽ làm vỏ quả chuối đổi màu. Sau khi sấy ráo nước, xếp vào thùng và hút chân không để đảm bảo không tồn tại khí CO2, tránh đẩy nhanh quá trình chín của trái chuối…
Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, sắp tới để nông sản Việt được vào Nhật nhiều hơn, công ty sẽ lựa chọn thêm 20-30 doanh nghiệp cung ứng. Đồng thời, công ty sẽ nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp làm sao để nông sản và hàng hóa đưa vào Nhật đảm bảo chất lượng và độ tươi ngon tối đa.
Thừa nhận nông sản Việt đang ngày càng thu hút người Nhật, ông Yuichiro Shiotani, Tổng giám đốc Công ty AEON TopValu Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm, tập đoàn này đã xuất khẩu 260 triệu USD hàng hóa Việt sang các hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp tại Nhật. Con số này tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái và dự kiến đạt 500 triệu USD cuối năm nay, cũng như hướng tới 1 tỷ USD vào năm 2025.
Hiện AEON đã đưa 3 nông sản của Việt Nam sang thị trường Nhật khá được ưa chuộng là thanh long, vải và xoài. Riêng với trái xoài, ngoài xuất khẩu quả tươi, xoài đông lạnh cũng được người Nhật yêu thích. Trong năm nay, tập đoàn này đặt kế hoạch xuất 65 tấn xoài đông lạnh vào hệ thống siêu thị tại Nhật.
Ông Nguyễn Hữu Tín – Giám đốc ITPC cũng nhìn nhận, thị trường Nhật đang ngày càng yêu thích nông sản Việt. Đây là thị trường tiềm năng để doanh nghiệp Việt bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, để hàng hoá thâm nhập sâu vào thị trường Nhật và châu Á, cách nhanh nhất theo ông Tín là doanh nghiệp xuất khẩu thông qua kênh bán lẻ ở các nước.
Theo ông Yuichiro Shiotani, để được AEON hỗ trợ xuất khẩu, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam phải có đầy đủ chứng nhận và truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, các nông sản hữu cơ, nông nghiệp sạch được ưu tiên, đồng thời doanh nghiệp cần có năng lực sản xuất ổn định.