Những diễn biến gần đây cho thấy, dịch Covid-19 đang định vị lại đầu tư toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn.
Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á. Ảnh: Internet.
Ứng viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, trong xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, trong đó có sự dịch chuyển trụ sở sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn lớn, Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn, được các nhà đầu tư quan tâm vì sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, vị trí địa lý, điều kiện đất đai môi trường, nhân lực…
Thông qua một số cuộc xúc tiến đầu tư trực tuyến với các đối tác khu vực châu Á (Nhật Bản, Singapore) hay châu Âu (Pháp) do Bộ KH&ĐT tổ chức gần đây, có rất nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm đến việc đầu tư tại Việt Nam.
Đơn cử, tọa đàm trực tuyến Việt Nam – Pháp do Bộ KH&ĐT, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Nghiệp đoàn giới chủ Pháp (MEDEF) vừa phối hợp tổ chức đã có sự hiện diện của hơn 70 tập đoàn, công ty lớn đại diện cho tất cả các lĩnh vực kinh tế của Pháp như: Tập đoàn Total, Tập đoàn ADP Ingenierie, EGIS, MICHELIN,…tới tham dự.
Ông Francois Corbin, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam – Pháp, Phó Chủ tịch MEDEF đánh giá, việc một số lượng rất lớn các tập đoàn và doanh nghiệp của Pháp tham gia vào cuộc Tọa đàm trực tuyến này là minh chứng rõ nét và tốt nhất về sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp Pháp tới Việt Nam.
Mối quan tâm này trước hết là bởi những đặc điểm nội tại của Việt Nam như: đất nước nằm ở trung tâm của ASEAN và dự kiến đây sẽ là khu vực hứa hẹn nhất trên thế giới trong vài năm tới. Việt Nam trong vài năm đã thực hiện các bước đi mở cửa và cải cách để đạt được tỷ lệ tăng trưởng đáng khích lệ.
Điều đáng chú ý là Việt Nam có thể sẽ giữ tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020, bất chấp tác động đáng kể của Covid-19 đến các hoạt động kinh tế. Những đặc điểm nội tại này khiến Việt Nam trở thành ứng cử viên sáng giá cho quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị ở châu Á.
Thực tế thời gian qua đã có nhiều tập đoàn lớn như Apple, Foxconn, Luxshare… triển khai kế hoạch gia tăng đặt hàng các nhà cung ứng ở Việt Nam cũng như gia tăng hoạt động đầu tư tại Việt Nam với số vốn đầu tư lên tới tỷ đô.
Kỳ vọng nhiều nhà đầu tư sẽ đến Việt Nam vào 2021
Trước đó, tại tọa đàm trực tuyến kết nối đầu tư Việt Nam Nhật Bản do Bộ KH&ĐT tổ chức, hơn 1.000 doanh nghiệp Nhật Bản đã tham dự nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, ông Okabe Daisuke cho rằng, với năng lực quản trị rủi ro cao, trong khi nước khác đang khốn đốn vì Covid-19 thì nền kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh chóng.
Việt Nam cũng cho thấy là nước đầu tiên thấy lợi thế của đa dạng hóa cung cấp. Doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm đến Việt Nam, coi là điểm đến đầu tư trong trạng thái bình thường mới.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, các DN, tập đoàn đều bày tỏ sự quan tâm tới các định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới, thể hiện trong Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về việc thu hút các dự án quy mô lớn, thân thiện môi trường, có tác động lan toả, công nghệ hiện đại, có kết nối với doanh nghiệp Việt Nam.
Đồng thời kỳ vọng, cuối năm nay, đặc biệt là năm 2021 sẽ có nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam để hiện thực hoá việc dịch chuyển của mình, nhất là trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép mở lại một số đường bay quốc tế để đón các chuyên gia tới Việt Nam trong bối cảnh Covid-19.
Trong đó, việc khơi thông các đường bay quốc tế có tác động lớn tới phát triển kinh tế đất nước vì sẽ đưa các chuyên gia, các nhà đầu tư tới Việt Nam.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cho biết, để chuẩn bị đón dòng vốn FDI dịch chuyển, Chính phủ Việt Nam đã sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để có thể đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục và tạo hành lang thông thoáng, điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam đầu tư và hợp tác kinh doanh.
Để chuẩn bị đón làn sóng đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang tiến hành rà soát quỹ đất khu công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chương trình hành động, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, kết nối với các dự án FDI lớn,… Đặc biệt, để tháo gỡ các khó khăn và đẩy nhanh quy trình tạo hành lang thông thoáng…