Quản trị giao dịch nội bộ thời Covid-19

Đăng lúc: 16:33:26 Ngày: 5/01/2021

Covid-19 bùng phát khiến nhiều công ty đa quốc gia phải đánh giá lại toàn bộ mô hình chuỗi cung ứng của mình trên toàn cầu; rà soát và thiết lập chính sách giá, thỏa thuận nội bộ. Dưới đây là một số lưu ý trong quản trị giao dịch nội bộ của các tập đoàn đa quốc gia trong thời kỳ Covid-19 tại Việt Nam.
Quản trị giao dịch nội bộ thời Covid-19
Đánh giá lại chuỗi cung ứng toàn cầu
Các tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là những tập đoàn có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Trung Quốc, đã và đang cân nhắc việc tìm kiếm và thay thế các cơ sở sản xuất, hoạt động nằm ngoài Trung Quốc, tái cấu trúc chuỗi cung ứng để tối ưu hóa về kinh doanh và thuế trong dài hạn, bên cạnh những giải pháp cung ứng tạm thời.
Đồng thời, họ cũng phải xét đến các giao dịch nội bộ mua – bán hàng hóa/dịch vụ, các giao dịch vô hình và tài chính giữa các công ty trong tập đoàn một cách toàn diện, sâu sắc. Hầu hết doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là công ty con của các tập đoàn đa quốc gia, sản xuất theo đơn đặt hàng của công ty mẹ và được đánh giá là chịu rủi ro tương đối thấp, nhưng không đồng nghĩa với phi rủi ro. Vì vậy, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này vẫn có thể chịu tác động bởi các yếu tố không thể lường trước như Covid-19. Các công ty trong tập đoàn có thể phải chia sẻ thiệt hại ở mức độ khác nhau, tùy thuộc vào chức năng và rủi ro.
Xem xét lại thỏa thuận trong giao dịch nội bộ
Các tập đoàn mẹ thường tính các khoản phí dịch vụ cho các công ty con ở Việt Nam như tiền bản quyền thương hiệu, phí dịch vụ tư vấn hỗ trợ  kinh doanh. Trong thời kỳ khủng hoảng, thương hiệu có thể sẽ không mang lại nhiều doanh thu cho các công ty bán hàng hoặc phân phối như trong điều kiện bình thường. Do đó, phí bản quyền thương hiệu tính trên phần trăm doanh thu bán hàng và sẽ được cân nhắc điều chỉnh giảm, ít nhất là trong ngắn hạn.
Tương tự, phí dịch vụ tư vấn hỗ trợ cũng nên được xem xét giảm do tình trạng không liên tục và ít hiệu quả của các chuyên gia trong quá trình cung cấp dịch vụ. Bộ phận pháp lý trong doanh nghiệp nên xem xét những điều khoản bất khả kháng trong thỏa thuận, hợp đồng thương mại với các bên liên kết, điều kiện áp dụng các khoản bồi thường do tác động của Covid-19, ví dụ, tình trạng giao hàng trễ làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất… Trên quan điểm pháp lý và thương mại, tiền phạt cho các khoản thanh toán chậm cũng có thể được cân nhắc.
Tận dụng hiệu quả cơ hội từ các quy định, cơ chế mới
Một trong những nỗ lực của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế trong giai đoạn này được thể hiện qua Nghị định số 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 8, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Nghị định được áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019, cho phép thực hiện điều chỉnh cho kỳ tính thuế năm 2017, 2018 liên quan đến nâng mức khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30% của lợi nhuận hoạt động trước thuế, lãi vay và khấu hao; đồng thời áp dụng cách tính chi phí lãi vay thuần (chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) cũng như cho phép chuyển chi phí lãi vay vượt mức khống chế sang 5 năm tiếp theo.
Quy định này đặc biệt thuận lợi đối với các tập đoàn đa quốc gia hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con và phát sinh nhiều giao dịch đi vay/cho vay; các doanh nghiệp hoạt động với vốn vay lớn và có tính chu kỳ  hoặc đang trong giai đoạn đầu tư ban đầu, phát sinh lỗ.
Theo đó, doanh nghiệp nên rà soát và tính toán lại mức chi phí lãi vay được trừ cho giai đoạn 2017 – 2019 và đánh giá tác động của Nghị định số 68/2020/NĐ-CP đối với cơ cấu kế hoạch tài chính, hoạt động kinh doanh trong ngắn hạn và dài hạn nhằm có biện pháp kiểm soát dòng tiền.
Phân tích, đánh giá kết quả kinh doanh lỗ hoặc sụt giảm lợi nhuận nghiêm trọng
Hầu hết doanh nghiệp được dự báo sẽ có một năm hoạt động đầy thách thức với biến động lớn về lợi nhuận, thậm chí ghi nhận lỗ. Các doanh nghiệp nên xem xét việc ghi nhận, phân tích và định lượng các nguyên nhân thương mại, tài chính, kinh tế ảnh hưởng tới sự thay đổi tiêu cực đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch. Mô hình phân chia tổn thất giữa các thành viên trong tập đoàn có thể được cân nhắc sau khi xem xét tính phù hợp để áp dụng trong điều kiện kinh tế hiện tại. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tham khảo thêm ý kiến tư vấn từ chuyên gia để có sự hỗ trợ  chuẩn bị các hồ sơ và tài liệu bổ sung theo quy định về giao dịch liên kết tại Việt Nam.