Nhập khẩu là gì?

Đăng lúc: 09:34:35 Ngày: 29/03/2021

Khi tham gia vào hoạt động kinh tế, có lẽ bạn đã nghe nhiều đến khái niệm nhập khẩu. Vậy nhập khẩu là gì? có những hình nào. Sau đây cùng chúng tôi đi vào phân tích và tìm hiểu nhé.

1.        Nhập khẩu là gì?

1.1  Định nghĩa 

Nếu bạn làm về xuất nhập khẩu thì chắc chắn đã nắm rõ định nghĩa này. Tuy nhiên, nếu là người mới, bạn có thể hiểu theo cách đơn giản, nhập khẩu là việc nhập hàng hóa, nguyên vật liệu từ các quốc gia khác trên thế giới về Việt Nam để tiêu thụ hoặc phục vụ sản xuất.

Đây là cách hiểu thông thường của hầu hết mọi người. Theo Wikipedia và Luật thương mại định nghĩa này được thể hiện chi tiết hơn:

“Nhập khẩu” được hiểu là các giao dịch liên quan về hàng hóa, dịch vụ từ một nguồn bên ngoài thông qua đường biên giới quốc gia. Đây là hoạt động kinh doanh trên phạm vi quốc tế, không phải dạng bán buôn riêng lẻ mà được điều hành dưới một hệ thống, bao gồm cả các tổ chức bên trong lẫn bên ngoài quốc gia nhập khẩu. Sự trao đổi hàng hóa, nguyên vật liệu, dịch vụ này sẽ dựa trên nguyên tắc trao đổi ngang giá mà tiền tệ được dùng làm môi giới.

1.2 Các khái niệm liên quan

Nhập khẩu tiểu ngạch

Hình thức này rất được ưa chuộng bởi thủ tục đơn giản, chi phí thấp. Đó là hoạt động trao đổi mua bán của những người dân sinh sống gần đường biên giới giữa hai nước có biên giới liền kề. Ví dụ người dân nước ta ở các vùng cửa khẩu như Mộc Bài, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai… thường xuyên nhập khẩu tiểu ngạch từ Trung Quốc nông sản, quần áo, vải vóc,…Phù hợp giao dịch nhỏ, hạn chế là tính ổn định không cao, nhiều rủi ro.

Nhập khẩu chính ngạch

Cũng là hình thức nhập khẩu hàng từ các nước liền kề. Nhưng nhập khẩu chính ngạch sẽ có quy mô lớn hơn, hàng được nhập qua các cửa khẩu với chế độ kiểm duyệt kỹ lưỡng về chất lượng, an toàn vệ sinh,…mức thuế phí cao hơn nhiều so với tiểu ngạch và phải đóng đầy đủ trước khi thông quan.

 

2.      Các hình thức của nhập khẩu hàng hóa

2.1         Nhập khẩu trực tiếp

Tham gia vào hình thức này, bên mua và bên bán sẽ trực tiếp ký kết hợp đồng với nhau. Các điều khoản và quyền lợi trong hợp đồng thương mại do hai bên tự thống nhất, không bị ràng buộc bởi một đơn vị trung gian nào.

Đây là hình thức được sử dụng khá phổ biến bởi cách thức đơn giản, nhanh chóng. Theo đó, bên nhập khẩu cần nghiên cứu kỹ về thị trường để xác định sản phẩm hay dịch vụ cần nhập. Sau đó tìm kiếm đối tác phù hợp, ký kết và thực hiện hợp đồng, tự bỏ vốn, chịu mọi rủi ro và chi phí trong giao dịch…

2.2        Nhập khẩu ủy thác

Đối với loại nhập khẩu ủy thác, không chỉ có sự tham gia của bên mua và bên bán mà còn có một bên thứ 3 (đơn vị trung gian). Hình thức này được sử dụng khi người mua hàng thuê một đơn vị khác (ủy thác) đứng ra thay họ nhập khẩu hàng hóa.

Những cá nhân hay doanh nghiệp mới thường gặp khó khăn khi tự nhập hàng, phần lớn do thiếu kinh nghiệm và không am hiểu về thương mại quốc tế, hoặc không đủ tư cách pháp nhân. Do đó, ủy thác cho một đơn vị trung gian sẽ giúp cho việc nhập lô hàng được nhanh chóng và suôn sẻ.

Trách nhiệm của bên nhận ủy thác là phải cung cấp thông tin về thị trường, giá cả, khách hàng, những điều kiện có liên quan đến đơn hàng được ủy thác, ký kết hợp đồng và thực hiện các thủ tục liên quan đến nhập khẩu.

Với hình thức này, doanh nghiệp thực hiện nghiệp vụ nhập khẩu ủy thác không phải bỏ vốn, không cần xin hạn ngạch cũng như không phải tìm kiếm đối tác, giá cả… Đổi lại bên ủy thác sẽ trả phí dịch vụ cho bên nhận ủy thác.

2.3        Buôn bán đối lưu

Buôn bán đối lưu hay còn gọi là nhập khẩu hàng đổi hàng, được thực hiện song song với hoạt động xuất khẩu. Hình thức này không dùng tiền tệ mà dùng hàng hóa làm phương tiện trao đổi. Hàng hóa dùng để nhập – xuất có giá trị tương đương nhau.

2.4        Tạm nhập tái xuất

Tạm nhập tái xuất là hình thức hàng hóa được đưa vào Việt Nam nhưng không để tiêu thụ mà để xuất sang nước thứ 3 nhằm thu lợi nhuận. Hoạt động này bao gồm cả xuất khẩu và nhập khẩu, mục đích là để thu ngoại tệ.

2.5        Nhập khẩu gia công

Với nhập khẩu gia công, bên nhận gia công sẽ nhập nguyên liệu từ bên xuất khẩu về để sản xuất theo yêu cầu của hợp đồng giữa hai bên.

Xét về tính chất, hình thức nhập khẩu gia công và xuất khẩu gia công giống nhau. Mục đích đều là gia công theo yêu cầu của các nước khác.

3. Hướng dẫn nhập khẩu một lô hàng từ nước ngoài về Việt Nam

  • Nghiên cứu lựa chọn sản phẩm
  • Lựa chọn nhà cung cấp
  • Lựa chọn phương thức thanh toán, phương thức mua bán, phương tiện vận tải
  • Xử lý hợp đồng, chứng từ mua bán, làm các chứng nhận, giấy phép cho sản phẩm
  • Hàng nằm trên phương tiện vận tải quốc tế
  • Làm thủ tục hải quan, đóng thuế, nhận hàng
  • Đưa hàng về kho

Doanh nghiệp Việt Nam khi nhập khẩu hàng hóa cần lưu ý nghiên cứu kỹ thị trường, nhằm lựa chọn hình thức nhập khẩu phù hợp. Bên cạnh đó cần đánh giá được tiềm năng của mặt hàng, tính cạnh tranh trên thị trường. Có như vậy hoạt động nhập khẩu mới đem lại hiệu quả và thu được lợi nhuận.